Cơm tấm (hay còn gọi là Cơm tấm Sài Gòn, hay cơm hộp) là một món ăn Việt Nam có nguyên liệu chủ yếu từ gạo tấm. Dù có nhiều tên gọi ở các vùng miền khác nhau, tuy nhiên nguyên liệu và cách thức chế biến của món ăn trên gần như là giống nhau.
Ban đầu, Cơm tấm là một món ăn phổ biến của những người nông dân, công nhân nghèo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào các năm mùa màng đói kém, nhiều người thường không có đủ gạo ngon để bán, vì vậy họ đã dùng gạo tấm (gạo bể) để nấu ăn vì nó luôn có sẵn trong nhà của nhiều hộ gia đình cũng như có tác dụng làm no lâu. Từ khi Việt Nam đô thị hóa vào nửa đầu thế kỷ 20, Cơm tấm đã trở nên phổ biến ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ, trong đó có Sài Gòn. Sau khi Sài Gòn trở thành một điểm du lịch với những du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều người bán hàng đã bắt đầu điều chỉnh thành phần của Cơm tấm để phù hợp hơn với khẩu vị của thực khách nước ngoài. Ngoài ra, phần ăn sau đó cũng đã bắt đầu được phục vụ với dĩa và sử dụng muỗng, nĩa thay vì trong chén ăn với đũa.
Dù Cơm tấm có thể có nhiều cách chế biến, gia giảm khác nhau, tuy nhiên một dĩa Cơm tấm truyền thống thường có các thành phần nguyên liệu như sau: Gạo tấm - Là thành phần chính của món ăn, gạo tấm là những mảnh vụn của gạo bị bể trên đồng lúa khi phơi khô, khi vận chuyển hoặc khi xay sàng gạo hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa thường được coi là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Nước mắm - Nước mắm của Cơm tấm thường được chế biến bằng cách pha nước mắm với nước lọc và thêm đường. Tùy theo cách chế biến và khẩu vị của người ăn, nước mắm có thể ngọt nhiều hoặc ngọt ít (mặn) hoặc chua. Mỡ hành - Là một hỗn hợp lỏng được làm từ hành lá, phi dầu hoặc mỡ, đôi khi còn được trộn với tóp mỡ thắng. Tùy theo khẩu vị mà thành phần có thể được thêm hoặc không được thêm. Các món mặn ăn kèm theo của Cơm tấm thường là: Sườn - Chủ yếu là sườn heo được tẩm ướp gia vị chua ngọt và sau đó đem nướng. Chả - Hay còn gọi là Chả trứng, được làm từ trứng, thịt băm, nấm mèo và miến xay nhuyễn. Chả trứng được chưng sẵn thành một cái bánh hình tròn hoặc hình chữ nhật, khi phục vụ sẽ xắt thành từng miếng nhỏ. Trứng - Thường là trứng ốp la. Bì - Là hỗn hợp nhiều thứ gồm thịt heo cắt sợi, da heo cắt sợi trộn với thính và gia vị. Đồ chua - Thường được làm từ cà chua, cà rốt, củ cải, dưa leo, dưa muối và cũng có thể là đu đủ. Đôi khi Cơm tấm còn được ăn kèm với thịt kho tàu, tàu hũ nhồi thịt, cá chiên, gà, rau, đồ xào,... giống như cơm thường. Kiểu ăn này có thể thấy ở các quán Cơm tấm có nhiều khách là giới văn phòng.
Một dĩa Cơm tấm thường được phục vụ kèm với một chén nước mắm và một chén canh, trên cùng dĩa ăn sẽ là một miếng sườn nướng và xung quanh là các món ăn mặn kèm khác cùng với mỡ hành được rưới lên trên cùng. Cơm tấm khi phục vụ sẽ được bày trên dĩa hoặc hộp nếu mua về. Để xúc thức ăn thì dùng muỗng và nĩa, tuy nhiên chỉ có người miền Nam mới thường dùng, còn người miền Trung và miền Bắc không quen dùng nĩa, vì vậy các tiệm cơm phục vụ ở địa phương sẽ thường có thêm đũa để dễ sử dụng.
Ngày nay, Cơm tấm là một trong những món ăn phổ biến và được coi là một phần của "văn hóa Sài Gòn". Sự phổ biến của món ăn lớn đến nỗi đã có một câu nói ẩn dụ phổ biến rằng: "Người Sài Gòn ăn Cơm Tấm như người Hà Nội ăn Phở". Tháng 3 năm 2012, trong một bài báo CNN đã nhận xét rằng Cơm tấm là món ăn hè phố bình dân hấp dẫn. Cũng vào ngày 1 tháng 8 năm 2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã công nhận kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực cho Cơm tấm Sài Gòn cùng chín món ăn Việt Nam khác.
(Nguồn - Wikipedia).